Lúc có dự định niềng răng tại Malaysia, Mai đã rất phân vân không biết có nên niềng ở đây không, không biết chi phí có mắc không, và cũng rất phân vân không biết mình nên niềng loại nào? Mai muốn viết bài chia sẻ này để cho các bạn đang có ý định niềng răng ở Malaysia có thêm thông tin tham khảo. Trong phần 1 này, Mai sẽ chia sẻ những điều mình cần tìm hiểu trước khi niềng cũng như các loại niềng răng tại Malaysia và chi phí niềng nhé. Bài viết này Mai viết vào tháng 12/2022, chi phí và một số thông tin có thể thay đổi sau này. Bài viết dựa trên những hiểu biết của bản thân và chỉ mang tính chất tham khảo, hi vọng mọi người có thêm chút thông tin để an tâm hơn khi niềng răng nhé.
Có nên niềng răng không?
Niềng răng không chỉ là phương pháp thẩm mỹ giúp cho răng bạn đều hơn, đẹp hơn, tạo cho gương mặt góc nhìn nghiêng và chính diện hài hòa hơn mà niềng răng còn liên quan đến vấn đề sức khỏe của hàm nhai nữa. Niềng răng giúp điều chỉnh các răng về lại đúng hướng và vị trí, giúp cải thiện khả năng ăn nhai và mang lại nụ cười đẹp và tự tin hơn cho bạn.
Nếu bạn đang có ý định niềng răng thì đừng bao giờ tìm lời khuyên ở những bạn bè chưa niềng răng hoặc những bạn bè có ý định niềng răng nhưng cũng đang chần chừ nhé:). Sẽ có hàng ngàn lý do mà mọi người khuyên bạn không nên niềng như: chi phí rất đắt đỏ, răng bạn vẫn đẹp mà, niềng răng vẫn phải đeo hàm duy trì cả đời, niềng xong bị hô, niềng xong răng vẫn di chuyển về vị trí cũ, v.v. Bạn nên tìm đọc những bài review của các bạn đã niềng rồi, xem review trước và sau niềng để có thêm động lực niềng càng sớm càng tốt nhé.
Lý do bản mình niềng răng: mình bị món nhẹ, răng hàm dưới đưa ra ngoài hàm trên một ít, lúc ngủ thì hai hàm chạm nhau nên sáng dậy thì sẽ thấy hơi ê buốt. Bên cạnh, răng mình thiếu hai răng cối (không mọc), nên hàm trên ngày càng tuột vào trong, làm cho hàm dưới ngày càng di chuyển ra ngoài. Nếu tình trạng kéo dài thì hai hàm cụng nhau gây buốt răng thường xuyên và có thể làm mòn răng, mình sẽ bị móm nặng hơn, hàm dưới ngày càng hô ra ngoài và hàm trên ngày càng thưa và càng tuột vào trong. Bên cạnh đó, Mai có một răng cối bị mọc sai hướng nên mình cũng muốn chỉnh lại răng này cho đúng luôn. Vì những lý do như vậy mà Mai quyết định niềng để cải thiện nụ cười cũng như cải thiện hàm nhai và tránh trường hợp ê buốt trong thời gian dài.
Xác định tình trạng răng trước khi niềng
Bạn nên xác định tình trạng răng của mình trước khi niềng, nếu bạn khám nha sĩ định kỳ thì nha sĩ cũng sẽ cho bạn biết khái quát về tình trạng răng của bạn, có nên niềng hay không. Bạn cải thiện được những gì sau khi niềng. Tất nhiên, trước khi niềng bạn nên đi tư vấn khoảng 2-4 phòng khám khác nhau vừa để tham khảo giá, vừa để hiểu rõ hơn tình trạng răng của mình nhé. Mai liệt kê những tình trạng răng phổ biến như sau:
- Crowding: răng chen chúc
- Excessive Spacing: răng thưa, răng có nhiều khe hở.
- Crossbite: răng cắn chéo. Răng trên không khớp với răng dưới khi cắn lại.
- Open bite: hở khớp răng cửa. Khi hàm trên và hàm dưới cắn lại sẽ xuất hiện khoảng hở giữa các bề mặt cắn của răng.
- Overbite (deep bite): Răng hô. Các răng cửa hàm trên nằm quá xa về phía dưới so với răng hàm dưới
- Underbite: các răng cửa hàm dưới quá xa về phía trước so với răng hàm trên.
- Overjet (protrusion): răng hô. Khác với răng overbite nhé. Các răng cửa hàm trên nằm quá xa về phía trước so với răng hàm dưới.
- Abnormal eruption: Răng mọc lệch khỏi những vị trí bình thường, răng khểnh.
Sau khi có quyết định bạn sẽ niềng răng ở phòng khám nào rồi, thì bạn có thể tiến hành chụp X-ray để nha sĩ có thể chẩn đoán tình trạng răng cụ thể của bạn như: chân răng như thế nào, răng nhìn chính diện và nhìn nghiêng, xác định cấu trúc xương hàm, thế mọc răng..v.v. Đồng thời bác sĩ chỉnh nha sẽ tiến hành lấy dấu mẫu hàm bằng thạch cao, mô phỏng hàm răng của bạn trên thực tế để có thể phân tích thực tế, cũng như so sánh trước và sau khi niềng.
Nếu thời gian đi lại bất tiện, bạn có thể yêu cầu chụp X-ray, lấy mẫu hàm và đeo hàm cùng một ngày luôn nhé. Thời gian kéo dài khoảng 1-2 tiếng là xong. Nếu nhổ răng, cắm vít, tiểu phẩu thì có thể lâu hơn.
Cần đến phòng khám để tư vấn niềng răng
Bạn nên đặt lịch tư vấn với nha sĩ để biết rõ tình trạng răng của mình cũng như tư vấn phương pháp niềng răng phù hợp với bạn. Khi đi tư vấn nha sĩ niềng răng tại Malaysia, bạn cần lưu ý những điểm sau:
- Cần tư vấn nhiều nha sĩ: bạn có thể đọc review, hỏi bạn bè và đi tư vấn ở những phòng khám bạn tin tưởng. Tuy nhiên, bạn nên đi tư vấn ở nhiều hơn một phòng khám, vì mỗi nha sĩ họ sẽ có thể có những tư vấn khác nhau hay phương pháp niềng khác nhau cho tình trạng răng của bạn. Mai đã đi tư vấn ở 3 phòng khám khác nhau, và ngoài ra cũng đã liên hệ thông tin online ở nhiều phòng khám khác nữa. Phòng khám đầu tiên Mai đi, họ tư vấn là phải nhổ hai răng hàm dưới để đẩy hàm dưới vô cho dễ, mình rất sợ nhổ răng nên đã không làm ở đây. Mình tư vấn ở Zenyum thì họ không nhận case của mình..v.v. Mình tư vấn hai chỗ khác họ lại bảo không cần nhổ răng. Vậy nên bạn cứ chi một ít tiền để đi tư vấn nhiều chỗ cho an tâm nhé.
- Chi phí tư vấn niềng răng ở Malaysia là bao nhiêu? chi phí tư vấn dao động từ 0RM – 50RM. Một số phòng khám họ sẽ tư vấn miễn phí cho bạn, một số phòng khám sau khi tư vấn nếu bạn quyết định niềng với họ thì chi phí tư vấn sẽ được miễn phí, nếu không chọn niềng tại clinic đó thì bạn phải trả phí. Một số phòng khám thì chi phí cứng là 30-50RM luôn.
- Bạn nên liệt kê danh sách câu hỏi chuẩn bị sẵn trước khi đến phòng khám nhé. Vì nha sĩ họ tư vấn khái quát tình trạng răng của bạn sau khi kiểm tra, rồi tư vấn các gói niềng răng sẵn có ở clinic của họ, còn lại thời gian là cho câu hỏi của bạn. Nên thắc mắc gì thì bạn liệt kê sẵn cái list câu hỏi nhé.
Các loại mắc cài niềng răng tại Malaysia
Hiện nay, có rất nhiều loại mắc cài để các bạn lựa chọn. Chi phí của các loại mắc cài cũng giao động khá lớn, mỗi loại mắc cài sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau. Bạn tham khảo thật kỹ loại mắc cài nào phù hợp với túi tiền và tiện lợi nhất cho mình nhé. Mai liệt kê một số loại mắc cài cơ bản cùng chi phí ước lệ RM như bên dưới nhé (12/2022).
Dưới đây Mai sẽ liệt kê một số hiểu biết của bản thân về các loại niềng như trên bảng, bạn có thể tham khảo, tìm hiểu thêm và quyết định nhé.
#1 Conventional (mắc cài truyền thống Kim Loại)
Mắc cài truyền thống kim loại là loại mắc cài vẫn sử dụng thun. Mắc cài truyền thông có ưu điểm là bền, ít gãy vỡ, giá thành hợp lý nhất, phù hợp cho các bạn muốn niềng răng nhưng kinh phí chưa thoải mái. Loại mắc cài này sẽ phù hợp với các bạn thích niềng với chun đủ màu sắc. Đây cũng là loại niềng mà nhiều bạn bè của mình đã niềng nhất. Nhược điểm: mình nghĩ là có thể dễ bị bung thun/ mắc cài, đeo nhiều thun nên dễ bị hôi miêng hơn là loại khóa tự động.
#2 Mắc cài tự động
Mắc cài tự động khác với mắc cài kim loại truyền thống ở điểm là mắc cài này không dùng dây thun, mắc cài này có khóa tự động ở mỗi mắc cài. Vì vậy, giảm được số lần đến nha sĩ vì bung dây thun sau khi đánh răng hay ăn uống. Và theo cá nhân mình, dây thun lâu ngày cũng dễ gây mùi hôi cho khoang miệng nếu không vệ sinh kỹ, với mắc cài tự động mình đoán là tình trạng hôi miệng vẫn còn nhưng sẽ đỡ hơn nhiều. Loại mắc cài tự động phổ biến và được đánh giá tốt hiện nay là Damon.
#3 Mắc cài sứ:
Hầu hết mọi người chọn mắc cài sứ vì chất liệu mắc cài là sứ khá giống với màu răng nên tính thẩm mỹ cao hơn. Hiện nay, thì mắc cài sứ đã có những loại không cần sử dụng thun, là mắc cài sứ tự động.
Tuy nhiên thì một số phòng khám không khuyến khích bạn sử dụng loại mắc cài này vì mắc cài dễ bung, vỡ nếu ăn đồ cứng. 2 phòng khám mình đi tư vấn họ cũng không tư vấn loại mắc cài sứ cho mình. Đến khi Mai hỏi thêm thì họ mới bảo là không khuyến khích cài vì sứ dễ vỡ, mình phải chi thêm tiền mua mắc cài mới và có thể làm ảnh hưởng đến thời gian niềng răng.
#4 Niềng trong suốt:
Loại niềng trong suốt được đánh giá tốt nhất hiện nay là Invisalign, như các nha sĩ tư vấn thì Invisalign, chi phí giao động từ 18.000-20.000RM (12/2022). Loại này cũng có tác dụng tương tư như mắc cài truyền thống (trừ một số ca rất phức tạp). Mắc cài trong suốt khá tiện lợi và mang tính thẩm mỹ rất cao. Người đối diện cũng sẽ khó nhận ra bạn đang mang niềng. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của niềng trong suốt là chi phí khá cao.
Một số bạn sẽ thắc mắc tại sao có loại niềng trong suốt lại có chi phí rẻ khoảng 6k-8k. Nếu bạn có ý định niềng trong suốt, bạn nhớ hỏi xem là họ niềng brand nào, Invisalign hay là loại khác nhé. Invisalign hiện đang là loại niềng trong suốt được tin tưởng nhất, với kết quả tương tự như các loại niềng truyền thống. Tuy nhiên, một số loại niềng trong suốt khác chỉ có thể điều chỉnh tình trạng răng dễ thôi. Ví dụ như Zenyum, chi phí của Zenyum chỉ tầm >6400RM thôi, nhưng họ không nhận case của mình vì không điều chỉnh được hàm móm. (bạn xem chi tiết bên dưới nhé)
Ngoài ra còn các loại niềng răng khác như niềng mắc cài trong, niềng mắc cài pha lê, nhưng Mai không tìm hiểu và cũng không thấy phổ biến ở các clinic mà Mai đã đi tư vấn.
Tại sao Mai chọn niềng tự động kim loại Damon
Dự định ban đầu của Mai là niềng trong suốt hoặc niềng sứ vì ban đầu sợ niềng sẽ xấu:))) Tuy nhiên, sau suốt mấy tháng đọc các bài trên mạng, hỏi hết mấy đứa bạn niềng răng của mình, cũng như xem rất nhiều video review trên Youtube, Mai quyết định chọn niềng kim loại tự động (self-ligating). Đây là lý do vì sao mình chọn niềng kim loại tự động:
- Niềng kim loại phù hợp với túi tiền của mình hơn so với niềng trong suốt Invisalign.
- Mình chọn niềng tự động vì mình không thích dây thun. Mình nghĩ dây thun làm khoang miệng mau có mùi hôi hơn. Và chọn mắc cài tự động mình thấy gọn hơn.
- Niềng mắc cài tự động thì sẽ đỡ các trường hợp như bung dây thun khi vệ sinh răng hoặc khi ăn uống.
- Lúc đầu mình dự tính niềng mắc cài sứ, nhưng đọc review thì một số bạn bảo sứ ‘có thể’ bị vỡ, lúc đó lại ảnh hưởng tới lộ trình niềng, và tốn thêm tiền cho mắc cài sứ mới và nha sĩ của mình cũng khuyên tương tự. Bên cạnh đó, nếu niềng sứ bạn cũng phải tránh ăn các đồ ăn có màu, và chăm sóc kỹ lưỡng hơn để mắc cài sứ không bị ngã màu ố vàng.
Bây giờ, Mai thấy niềng kim loại cũng không ‘xấu’ như mình nghĩ trước đây:), thấy đeo niềng cũng hay hay:). Nếu bạn đang niềng loại nào khác thì comment ưu và nhược điểm để Mai và các bạn khác cùng tham khảo nhé.
Chi phí niềng răng tại Malaysia và niềng răng trả góp
Chi phí niềng giao động khác nhau tùy vào loại mắc cài bạn chọn như hình Mai có để ở phần trên nhé. Trong phần này, Mai sẽ lấy ví dụ cụ thể một gói niềng mà Mai đang dùng để xem chi phí niềng răng bao gồm những gì nhé.
Tổng gói self-ligating Damon của mình là 7.300RM. Gói không bao gồm (trám răng, nhổ răng, trồng cắm vít, và hàm duy trì). Dưới đây là thông tin chi tiết gói này và lộ trình trả góp nhé:
- Lần đầu 300RM: X-ray + Impression: chụp X quang và lấy mẫu răng (300RM).
- Lần hai 2000RM: bond up (đeo niềng). Nếu bạn nào ở xa có thể yêu cầu chụp X-ray và đeo niềng cùng một buổi luôn nhé. Trong lần hai này bạn sẽ phải làm Scaling & Polishing (cạo vôi răng, làm sạch răng – chi phí tầm 60-90RM) và filling (trám răng – nếu sau khi khám và chụp X-ray thấy có lỗ sâu răng).
- Sau đó mỗi tháng khám một lần sẽ trả góp 250RM/ tháng cho đến khi đủ 7300RM.
Nếu thời gian đeo niềng răng dài hơn thời gian dự kiến ban đầu thì bạn cũng không cần phải đóng thêm bất cứ chi phí nào khác. Theo lời khuyên của hai người bạn đã niềng răng xong của mình, các bạn khuyên nên đeo dài hơn thời gian dự kiến để răng mình ổn định hơn thì tình trạng xê dịch răng sẽ đỡ hẳn. Bạn cùng nhà của mình đã đeo niềng suốt 4 năm:(, sau khi tháo niềng thì bạn chỉ đeo hàm duy trì 1 tháng, răng của bạn tới nay cũng không bị dịch chuyển gì hết.
Riêng với Invisalign chi phí là 18.000RM, thì chi phí tham khảo và lộ trình trả góp như sau nhé:
- Lần đầu 3D scan + X-ray là 2.000RM. Khi bạn niềng Invisalign thì bạn sẽ được xem kết quả mô phỏng 3D sau khi niềng trên máy tính luôn nhé.
- Lần hai đeo niềng đóng 10.000RM
- Sau đó bạn đến khám mỗi hai tháng và đóng 400RM cho đến khi đủ gói 18.000RM
Mỗi clinic có một gói chi phí khác nhau, lộ trình trả góp cũng khác nhau nên chi phí phía trên bạn tham khảo thôi nhé. Nếu bạn quyết định làm ở phòng khám nào thì hỏi rõ gói trả góp của họ nhé.
Danh sách các nha sĩ niềng răng tại Malaysia
Niềng răng đòi hỏi bạn phải bỏ ra một mức chi phí không thấp, và cũng bỏ ra một khoảng thời gian tầm 1.5-3.5 (tùy tình trạng răng), vì vậy việc chọn lựa được một nha sĩ chất lượng là rất quan trọng. Vậy để chọn được một nha sĩ chất lượng bạn có thể lưu ý những vấn đề như sau:
- Bạn đọc review trên tất cả các nền tảng online nếu có thể (trên website của clinic, trên Googlemap, trên Facebook, trên Instagram, trên các kênh review khác…v.v.) Lưu ý, trên Googlemap có rất nhiều review seeding nên bạn có thể xem xét người review là ai, họ chỉ có một review duy nhất về clinic đó hay đã review nhiều địa điểm khác nữa, tương tự như vậy chọn lọc xem xét kỹ review trên các trang khác xem có phải review seeding không.
- Đọc tất cả review tốt/ xấu: đọc review thấp xem họ đánh giá điểm gì thấp, ví dụ họ đánh giá receptionist không tốt, hay có vấn đề trong booking chẳng hạn thì mình cũng không cần lo lắng quá, miễn là nha sĩ ổn là oki.
- Chuyên môn nha sĩ: bạn có thể đọc review online, đồng thời qua quá trình tư vấn mình có thể xem bác sĩ họ có nhiệt tình tư vấn, thông tin họ cung cấp cho mình như thế nào..v.v.
- Lộ trình niềng răng: mỗi nha sĩ sẽ tư vấn cho bạn một lộ trình niềng răng có thể khác nhau, bạn xem lộ trình nào phù hơn thì bạn chọn nhé.
Mai liệt kê các nha sĩ Mai đã đi tư vấn hoặc liên hệ tư vấn online và mức chi phí của từng nha sĩ ở bên dưới để mọi người tham khảo thêm nhé.
#1 Lau dentist
Địa chỉ: 75 & 65-1, Jalan Radin Tengah, Bandar Baru Sri Petaling, 57000 Kuala Lumpur, Wilayah Persekutuan Kuala Lumpur, Malaysia
Liên hệ book lịch: +60189191433
Phương tiện di chuyển: không có LRT đến clinic. Trạm LRT gần nhất là LRT Sri Petaling hoặc LRT Bukit Jalil, rồi đi grab đến tầm 6-7RM.
Chi phí tư vấn: miễn phí
Chi phí niềng (12/2022): conventional (5800RM), Self-ligating (genius: 6800RM, Damon:7300RM), Ceramic (8800RM). Invisable (18000RM)
Hiện tại, Mai đang niềng ở clinic này, tư vấn khá tận tình từ receptionist đến nha sĩ. Chưa niềng xong nên chưa review chi tiết cho mọi người được. Mai sẽ viết ở phần sau nhé.
#2 Klinik Pergigian Tooth Family
Địa chỉ: 11-2, Sri Manja Square Two, Jalan PJS 3/63, Taman Sri Manja, 46000 Petaling Jaya, Selangor, Malaysia
Liên hệ book lịch: +60128118928
Website: https://tooth-family.com/
Chi phí tư vấn: RM30
Chi phí niềng (12/2022): start from 5800RM, invisable braces (RM8500-15000). Có đủ các loại niềng (conventional, self-ligating, invisable). Free Xray, scaling, analysis. Lần đầu: lấy mẫu răng, chụp hình, xray, scaling, analysis (RM500). Lần hai: đeo niềng hàm trên (RM350). Lần ba: đeo hàm dưới RM350. Trả góp hàng tháng RM200.
Đây cũng là một trong top những Clinic chuyên về niềng răng, sau khi đọc các review thì mình có đến tư vấn. Nha sĩ tư vấn khá nhiệt tình, tuy nhiên, họ có tư vấn case của mình khả năng 80% phải nhổ hai răng dưới nên mình không làm với bên này.
#3 Icare Mytown
Địa chỉ: Level 2- 056 MyTown Shopping Mall, Jalan Cochrane, Cheras, 55100 Kuala Lumpur, Malaysia
Liên hệ book lịch: +60327150041
Phương tiện di chuyển: bạn có thể đi MRT đến trạm Cochrane rồi đi thẳng qua Mytown Mall. Clinic nằm ngay level 2 của Mall.
Chi phí tư vấn: RM30-50
Chi Phí niềng răng: conventional metal braces (RM5500), self-ligating metal braces (RM7000), self ligating ceramic braces (RM8000). Đây là chi phí do nha sĩ bình thường đeo niềng cho bạn, nếu bạn book chuyên gia chuyên về niềng răng take care bạn thì chi phí ở trên cộng thêm 1000RM nha.
#4 Thedentist
Địa chỉ: 1st Floor, 6-2, Jalan USJ 9/5r, Subang Business Centre, 47620 Subang Jaya, Selangor, Malaysia
Website: https://www.thedentist.com.my/
Liên hệ book lịch: +60380217747
Chi phí tư vấn: RM30-50
Đây là clinic bạn của Mai đã niềng và recommend, tuy nhiên khi liên hệ thì họ chỉ có loại traditional thôi, không có invisable và self-ligating Damon. Bạn nào niềng loại metal traditional thì có thể tham khảo nhé.
#5 Icon dental
Địa Chỉ: 8,ground floor, Jalan Radin Bagus 1, Bandar Baru Sri Petaling, 57000 Wilayah Persekutuan, Wilayah Persekutuan Kuala Lumpur, Malaysia
Phí tư vấn: RM50-RM80
Chi phí niềng: conventional traditional (RM6800), Self-ligating metal (RM8000 and above), ceramic traditional (RM9500), Damon ceramic (RM11000), Invisible (RM8000 and above)
Mình đọc review clinic này khá tốt nên có liên hệ tư vấn online. Giá có mắc hơn Lau dentist nên Mai chưa đến clinic tư vấn chỉ tư vấn qua Whatsapp. Mai để chi phí ở đây để mọi người tham khảo nhé.
#6 Zenyum Malaysia
Whatsapp: +601126682800
Website: https://www.zenyum.com/my-en
Chi phí niềng: từ RM 6399 trở lên tùy tình trạng răng
Zenyum chuyên niềng răng trong suốt giá rẻ hơn hãng Invisalign khá nhiều. Đầu tiên, bạn sẽ liên hệ whatsapp của Zenyum và thực hiện một bài kiểm tra nhỏ (nêu tình trạng răng, cũng như gửi ảnh răng, hàm của bạn). Họ sẽ review và xem case của bạn có thể xử lý bằng niềng Zenyum không. Nếu có, bạn sẽ đến clinic để chụp Xra, lấy mẫu răng và tiến hành lộ trình niềng.
Bạn mình đã niềng ở Zenyum và review khá oki. Tuy nhiên, khi mình liên hệ làm bài kiểm tra qua Whatsapp, chụp ảnh răng gửi họ thì họ không nhận case mình vì không thể chỉnh hàm món bằng invisable braces của bên họ.
Những dụng cụ vệ sinh răng cần thiết
Nếu đã quyết định ngày niềng răng, thì bạn nên chuẩn bị các dụng cụ vệ sinh răng chu đáo để bắt đầu một hành trình thay đổi nhé;) Mai liệt kê một số dụng cụ vệ sinh răng thiết yếu mà Mai đang dùng để các bạn tham khảo nhé:
#1 Máy tăm nước
Máy tăm nước là một dụng cụ không thể thiếu và siêu tiện lợi cho cả các bạn niềng răng và không niềng răng. Máy tăm nước sử dụng lực nước của các đầu xịt mà bạn có thể điều chỉnh tia nước này vào kẽ răng để lấy hết thức ăn thừa và mảng bám ở kẽ răng, nướu và khoang miệng, giúp ngăn chặn hình thành cao răng. Đặc biệt, lúc niềng răng, chỉ chải răng bằng bàn chải thông thường thì rất khó để lấy hết các mảng bám thức ăn ra ngoài. Và máy tăm nước còn tiếp cận được những chỗ mà chỉ nha khoa không xử lý được. Vì vậy sắm cho mình một chiếc tăm nước để tiện cho việc vệ sinh răng nhé.
Lưu ý: bạn nên chọn mức nhỏ nhất ở những lần đầu sử dụng. Ban đầu không quen, bạn còn có thể bị tình trạng nước chảy máu vì lực nước quá mạnh.
Loại tăm nước Mai đang sử dụng là Mornwell Portable Water Flosser, Mai dùng loại này rất ổn và chi phí cũng hợp lý. Hiện tại, đang sales còn RM85. Bạn check mã giảm giá FreeShip của Lazada ở đây nhé.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo những loại tăm nước khác trên thị trường nhé:
#2 Dental Orthodontic Braces Wax
Đôi khi dây cung có thể bị nhô ra và cọ vào môi, má gây khó chịu, hoặc làm sưng tấy. Lúc này các bạn có thể sử dụng sáp nha khoa đặt vào các vùng bị xước để giảm sự khó chịu và lành vết xước. Thường thì các nha sĩ sẽ tặng bạn một hộp sáp nha khoa để sử dụng trong quá trình niềng răng, nếu không bạn có thể mua sáp nha khoa ở đây nhé.
#3 Bàn chải kẽ
Bàn chải kẽ là bàn chải nhỏ giúp chải ở những vị trí mà bàn chải thường không chải tới, giúp lấy mảng bám ở kẻ răng hay để làm sạch kẽ răng do vướng mắc cài và dây cung. Bàn chải kẽ giúp cho răng và khoang miệng sạch hơn, giúp giữ vệ sinh răng miệng trong quá trình niềng răng. Bạn có thể tìm mua loại bàn chải kẽ này ở Guardian nhé.
Những lưu ý sau khi niềng răng
Niềng xong xong bạn sẽ phải thay đổi rất nhiều thói quen hằng ngày của mình như thói quen ăn uống, thói quen vệ sinh răng miệng, đi chơi ăn uống với bạn bè..v.v. Bạn cần thực hiện những theo đúng các chỉ dẫn của nha sĩ sau khi niềng răng.
#1 Tình trạng ê buốt sau khi niềng răng
Răng ê buốt, hay lợi chảy máu, viêm là tình trạng thường gặp khi gắn niềng răng. Đặc biệt, nếu bạn nhổ răng hay gắn cắm vít thì có thể sẽ nặng hơn, mặt và môi cũng có thể bị sưng.
Trường hợp của Mai thì không bị quá đau hay ê buốt, vì mình không nhổ răng, nên không có vấn đề gì lớn sau khi niềng. Chỉ có vì hai hàm của mình bị đụng vào nhau nên sáng thức dậy thì răng cửa hơi ê buốt một xíu.
#2 Vệ sinh răng miệng thường xuyên
Sau khi niềng răng vấn đề vệ sinh răng miệng sẽ khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn bình thường. Nha sĩ khuyên bạn nên vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn tầm 30p. Một ngày bạn nên vệ sinh ít nhất là 3 lần, tốt nhất là sau mỗi bữa ăn để đảm bảo thức ăn không bám vào các kẽ răng sẽ rất khó vệ sinh sau này. Việc vệ sinh răng miệng đúng cách vừa chăm sóc răng bạn khỏe, vừa góp phần giúp quá trình niềng răng được thuận lợi hơn nên bạn cần thực hiện một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng nhé.
Lưu ý: Sau khi ăn các thực phẩm chứa axit như xoài, chanh, cam, quýt… thì không nên đánh răng ngay lập tức, vì các axit làm cho men răng yếu đi, nếu đánh răng ngay sẽ có thể gây tổn hại cho men răng. Vì vậy tốt nhất, bạn nên đánh răng 30 phút sau khi ăn nhé.
#3 Ăn uống đúng cách:
một đến hai tháng đầu sau khi niềng răng, bạn sẽ phải thay đổi đồ ăn hàng ngày và thay vào đó là các món ăn mềm như cháo, súp, sinh tố, v.v. Nếu bạn nhổ răng hoặc làm tiểu phẫu thì trong tháng đầu sẽ gặp khó khăn trong việc nhai. Mai thì không phải nhổ răng nhưng nha sĩ họ gắn thêm overlay (phần nhô lên) trên hai răng cửa hàm dưới của mình nên hai hàm của mình không chạm nhau, mình không nhai được nên hai tháng đầu tất cả đồ ăn mình phải bỏ vào máy xay sinh tố, ngay cả cháo mình cũng phải xay mới ăn được.
- Thực phẩm dai, cứng, dẻo: bạn nên hạn chế vì nó dễ làm rơi, gãy mắc cài hay ảnh hưởng đến dây cung.
- Thức ăn có màu như trà, cà phê, ghệ, cà ri, dầu hạt điêu… bạn cũng nên hạn chế bởi vì nếu bạn không vệ sinh sạch, màu có thể sẽ bám dính trên răng hoặc dây thun (conventional braces) thì sẽ mất vệ sinh.
- Đồ ăn nhiều đường: vì đường có thể bám dính trên răng, gây ra những bệnh lý ảnh hưởng đến sức khoẻ răng miệng.
#4 Bỏ những thói quen xấu
Những thói quen xấu có hại như cắn bút, mút ngón tay, lấy lưỡi đẩy răng, chống cằm, dùng tay tác động vật lý lên hàm/ cằm…bạn cũng nên loại bỏ vì chúng sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của răng.
#5 Mắc cài có thể bị bung, rớt
Nếu bạn không may làm rơi mắc cài thì bạn nhặt lại mắc cài và đến nha sĩ ngay để họ gắn lại ngay và không làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình niềng răng nhé. Nha sĩ họ sẽ gắn lại miễn phí cho bạn, trong trường hợp bạn làm mất thì phải mua lại mắc cài mới với chi phí tầm 50-100RM, tùy loại mắc cài nhé.
Việc rớt mắc cài, bung mắc cài, gãy mắc cài (đối với mắc cài sứ) sẽ đều có thể làm gián đoạn quá trình niềng răng. Vì vậy để hạn chế tình trạng rớt mắc cài bạn nên có chế độ ăn uống và chăm sóc răng miệng đúng cách. Hầu hết các ca rớt mắc cài là do các bạn dùng lực để cắn, gặm thức ăn quá cứng hoặc quá dai.
Hi vọng bài viết này có thể giải đáp các thắc mắc của bạn về việc niềng răng tại Malaysia. Chúc bạn có một lộ trình niềng răng suông sẻ nha:) Hẹn bạn ở những phần tiếp theo.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog và lắng nghe những chia sẻ của Mai. Chúc bạn có những trải nghiệm đẹp tại Malaysia và có những chuyến đi thật tuyệt vời trong suốt hành trình cuộc đời! Theo dõi Mai ở đây nha: beacons.ai/maivan
What do you think?