1. YANGON TỪNG LÀ THỦ ĐÔ CỦA MYANMAR
Yangon là thủ đô chính thức của Myanmar từ năm 1948 đến 2005 cho đến khi Naypyidaw được Chính phủ tuyên bố là thủ đô độc lập mới vào năm 2005. Yangon có nghĩa đen là chấm dứt những nguy hiểm ‘end of dangers’, là tên được vua Alaungpaya đặt ra vào năm 1755.
Yangon ban đầu là một làng chài nhỏ tên là Rangoon, nơi mà người dân bản địa ở đây chung sống với nhau quanh ngôi chùa lớn có tên là chùa Swhedagon. Ngày nay, Yangon vẫn được coi là một trong những thành phố lớn nhất và là thành phố công nghiệp và thương mại của đất nước. Yangon và Bagan là những điểm thu hút khách du lịch chính ở Myanmar vì có rất nhiều ngôi chùa tuyệt đẹp và văn hóa độc đáo của nó.
Mọi người gọi Yangon là thành phố của những ngôi chùa vàng – Golden Pagodas, vì thành phố này là nơi có nhiều ngôi chùa bí ẩn, và ngôi chùa lớn nhất là chùa Swhedagon, một trong những địa điểm Phật giáo linh thiêng nhất và là địa điểm không thể bỏ qua cho tất cả khách du lịch khi đến Myanmar.
Một số địa điểm được du khách săn đón ở Yangon:
- Chùa Shwedagon
- Đường Pansodan
- Chợ Bogyoke Aung San
- Chùa Botataung
- Chùa Sule
- Dạo quanh Yangon bằng tàu hỏa


2. YANGON – THÀNH PHỐ CỔ
Yangon, tên cũ là Rangoon, trong ấn tượng đầu tiên của mình là một thành phố rất cổ. Yangon là thủ đô thuộc địa của Anh thế kỷ 19. Hầu hết các tòa nhà được xây dựng vào những năm 1990, đó là lý do tại sao bạn có thể thấy các tòa nhà này khá cũ kĩ và thậm chí cả phương tiện giao thông như ô tô, xe lửa, xe đạp, xe máy, v.v cũng rất cũ kĩ.
Bên cạnh đó, ở Yangon có chùa Sule cũng đã hơn 2.000 năm tuổi và chùa Swhedagon được xây dựng hơn 2600 năm trước. Dạo quanh thành phố cho mình cảm giác như một hành trình thực sự khám phá một thành phố lịch sử mang đậm nét văn hóa của người dân bản địa nơi đây.
Người dân ở đây thực sự tốt bụng và vui vẻ chào đón tất cả những người lạ và khách du lịch đến viếng thăm Yangon. Tụi mình dành một ngày để đi lang thang khắp thành phố và thưởng thức các món ăn đường phố. Vào buổi chiều, tụi mình đi tàu để khám phá các khu vực xa hơn. Con tàu trong tình trạng cũ và hư hỏng, không có cửa ra vào và cửa sổ, ghế sofa trên tàu hầu hết đều bị rách và cũ kĩ. Tụi mình ngồi ở lối vào và tận hưởng cuộc sống Yangon chậm rãi dọc theo tuyến đường sắt. Tụi mình đã ghé lại một số chợ địa phương và thưởng thức các món ăn local ở đó. Người dân địa phương ở đây thực sự tò mò về du khách và luôn mỉm cười với khách du lịch.


3. KHÁCH VIẾNG THĂM CHÙA PHẢI ĂN MẶC KÍN ĐÁO
Myanmar là một quốc gia Phật giáo, có đến khoảng 98% người dân theo Phật giáo. Do đó, Myanmar được khách du lịch khắp nơi trên thế giới biết đến như là một đất nước của những ngôi chùa vàng.
Quy định về trang phục là bắt buộc đối với tất cả du khách khi vào chùa, các quy tắc có thể thoải mái hơn một chút ở Thái Lan hoặc Indonesia nhưng ở Myanmar, nếu bạn ăn mặc không phù hợp, bạn không thể vào thánh địa chùa được. Người viếng thăm phải mặc đồ che đầu gối và vai, giày dép phải tháo để bên ngoài. Nếu bạn không mang theo áo khoác hay mặc quần đùi, bạn được yêu cầu thuê longyi để che đầu gối và vai trước khi vào thánh địa.
Bên cạnh đó, hãy nhớ tuân thủ tất cả các quy tắc trong chùa, tránh chạm vào áo choàng tu sĩ, đầu sư hoặc thậm chí bắt tay, không làm phiền người tu hành, không vào khu vực cấm và không thể hiện tình cảm nơi công cộng vì Myanmar vẫn là một quốc gia khá bảo thủ.
Bên cạnh đó, người Miến coi đỉnh đầu là nơi thể hiện sự tôn kính, nên người khác không được chạm vào đầu họ, cũng tránh xoa đầu các em bé nhỏ như phong tục của người Việt.

4. ĐÀN ÔNG MẶC “VÁY” LONGYI
Myanmar là một trải nghiệm mới cho bất kỳ ai đến thăm đất nước này, đặc biệt là cách họ ăn mặc. Ở Yangon và tất cả các vùng khác của Myanmar, đàn ông mặc quần dài hoặc Longyi. Longyi được xem là một trong những trang phục truyền thông của người Miến Điện. Longyi thoạt nhìn trông như một chiếc váy nhưng thật ra nó không phải là váy, nó là một tấm vải buộc quanh eo, được mặc bởi cả nam và nữ.
Longyi là trang phục thường ngày của người dân, thậm chí trong những buổi gặp gỡ hay làm việc trang trọng họ vẫn mặc như vậy, longyi bằng cách nào đó rất phù hợp và thoải mái trong mùa hè với nhiệt độ lên tới 40 độ ở Yangon. Phụ thuộc vào chết liệu vải và kiểu dáng, Longyi được chia ra thành nhiều loại, có hai loại chính là: Paso là trang phục longyi của đàn ông và Htamain là trang phục của phụ nữ. Bạn có thể tìm thấy longyi hoặc sarong ở nhiều quốc gia châu Á khác như Indonesia, Thái Lan, Sri Lanka, một số vùng của Malaysia, v.v.

5. MẶT NẠ THANAKA SIÊU CÔNG DỤNG CỦA NGƯỜI MIẾN ĐIỆN
Người dân địa phương sử dụng mặt nạ thanaka trong hơn 2000 năm vì công dụng tuyệt vời của nó. Thanaka giống như mỹ phẩm làm đẹp cho phụ nữ ở Myanmar và nó cũng được sử dụng làm kem chống nắng để làm mát da và tránh bị cháy nắng với thời tiết nóng bức ở đây.
Mặt nạ Thanaka đã được hầu hết mọi người trong nước sử dụng, từ trẻ đến già, từ nam đến nữ. Thanaka là một loại bột màu vàng làm từ cây thanaka. Người ta pha nó với nước và thoa lên mặt hoặc đôi khi là trán, mũi, cánh tay. Ngày nay, thanaka trở thành một loại bột đa năng và biểu tượng truyền thống văn hóa của đất nước.

6. YANGON – THÀNH PHỐ KHÔNG XE MÁY VÀ SIÊU KẸT XE
Năm 1970, Myanmar đã thực hiện một siêu thay đổi từ lái xe từ bên trái sang lái xe bên phải đường. Phương tiện di chuyển chính ở Yangon là xe hơi và taxi, phương tiện công cộng thì có xe bus. Tuy nhiên thì đường phố ở Yangon có những đoạn đường không đủ lớn cho xe ô tô của cả thành phố. Trong giờ cao điểm, giao thông ở Yangon trở nên hỗn loạn và kẹt xe vô cùng.
Giờ cao điểm là từ 7-9 giờ sáng và 4-7 giờ tối. Bạn nên tránh đặt chuyến bay vào giờ cao điểm vì một chuyến đi 10 phút có thể trở thành một chuyến đi 2 giờ vì kẹt xe. Và thông thường, giao thông trở nên tồi tệ hơn vì nhiều tài xế không tuân thủ luật lệ giao thông và lái xe bất cẩn mà không quan tâm đến sự an toàn của những người tham gia giao thông khác.

7. KHÔNG TÌM THẤY TOILET CÔNG CỘNG
Ở Yangon hầu hết dùng nhà vệ sinh ngồi xổm và thường nằm ở phía sau mỗi nhà. Một số nhà vệ sinh công cộng tính một khoản phí nhỏ để sử dụng nó. Rất khó khăn để tìm thấy một nhà vệ sinh công cộng ở Yangon thậm chí là ở khu vực trung tâm thành phố, trong các khu chợ lớn, trung tâm lớn. Nếu có, thì nhà vệ sinh ở đây không thực sự sạch và không có giấy vệ sinh hay nước rửa tay. Vì vậy, hãy luôn nhớ đi vệ sinh trước khi bạn rời khỏi khách sạn và nhớ mang theo gel khán khuẩn và khăn giấy bên mình mọi lúc nhé.

8. KHÔNG CÓ THANG MÁY TRONG CÁC TOÀ NHÀ CAO TẦNG

Như mình đã đề cập ở trên, Yangon là một thành phố rất lâu đời với rất nhiều tòa nhà cao không có thang máy. Khi đi lang thang quanh trung tâm thành phố, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những tòa nhà cao tầng với vài chiếc dây thừng từ các tầng võng xuống tầng trệt như trong hình dưới đây.
Không có thang máy nên người dân cũng ngại di chuyển thường xuyên, vì vậy nên đây có lẽ là một ý tưởng tuyệt vời. Mọi người sử dụng một sợi dây với một cái giỏ xõng xuống tầng trệt, để những người khác có thể đặt thức ăn hoặc bất cứ thứ gì họ cần vào giỏ. Và họ chỉ cần kéo nó lên là xong rồi, không cần phải đi bộ. Thật là sáng tạo và hài hước nhỉ?! 😅
9. YANGON LÀ THIÊN ĐƯỜNG CỦA CÁC MÓN ĂN VỈA HÈ
Ẩm thực của Myanmar được ảnh hưởng bởi các nước láng giềng như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và các vùng dân tộc thiểu số. Ở Yangon bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những chiếc xe bán đồ ăn di dộng, họ chỉ ở một nơi tầm 30p đến 1 tiếng rồi lại di chuyển đến nơi khác. Bên cạnh đó, nói về ẩm thực ở Yangon thì không thể không kể đến con đường số 19 và China Town, tuy nhiên bạn có thể đi bộ quanh thành phố và trải nghiệm những điều mới mẻ và thử nhiều món ăn khác nhau nhé.
Tụi mình đã đi tàu quanh Yangon và dừng lại ở một khu chợ địa phương, và đó thật sự là một chuyến đi thú vị. Tụi mình được thưởng thức các món ăn địa phương ở đây, đồ ăn thì phải nói là siêu rẻ luôn, và người dân thì siêu thân thiện. Danh sách một số món ăn đường phố ngon ở Yangon mà bạn không muốn bỏ lỡ:
- Wat Thar Doke Htoe: Các cơ quan nội tạng của lợn như gan, thận, tim, phổi, lưỡi, v.v được cắt thành miếng nhỏ và xiêng vào que tre và nhúng vào dầu nóng, ăn chung với nước chấm đặc thù của người Yangon.
- E Kya Kway: Nó gần giống như là bánh mì quẩy của Trung Quốc được chiên trong dầu nóng và mọi người thường ăn với cháo cho bữa sáng.
- Mont Lin Ma Yar: như kiểu bánh bèo nóng ở VN, có lớp phủ bên trên như trứng cút, hành lá và các thành phần khác.
- Shwe Kyi: loại bánh ngọt có vị dừa và đôi khi thêm quả óc chó hoặc nho khô bên trong. Mình cũng c thấy bánh này ở Malaysia và Việt Nam.


10. TỤC ĂN BÓC BẰNG TAY PHẢI
Người Myanmar không dùng đũa, họ sử dụng tay phải để cầm nắm thức ăn, họ quan niệm tay trái là tay dùng khi đi vệ sinh, nên chỉ dùng tay phải để ăn. Họ vò thức ăn thành nắm, thường trộn với các món ăn khác và sốt để ăn. Tục ăn bằng tay cũng khá phổ biến với văn hóa người Ấn. Tuy nhiên, ở những nhà hàng lớn hay khách sạn thì vẫn có đũa muỗng đầy đủ cho thực khách du lịch nhé.
11. NGƯỜI BẢN ĐỊA THÂN THIỆN VÀ HÀI HƯỚC
Sự thân thiện và hài hước của người dân bản địa đã làm cho chuyến đi của tụi mình thêm thú vị hơn. Người dân ở đây chào đón khách du lịch bằng sự thân thiện và hiếu khách. Ở Yangon chưa đến một tuần, chúng mình đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ và nụ cười từ người dân địa phương. Đêm thứ tư trong chuyến đi, tụi mình bắt taxi đến một nhà hàng nổi tiếng ở Yangon để ăn tối, nhưng thật không may, nhà hàng đã đóng cửa sớm hơn mọi lần. Những người trong nhà hàng ngay lập tức chỉ cho tụi mình một nhà hàng khác và hai anh phục vụ vui vẻ chở tụi mình (8 người) đến tận nhà hàng luôn.
Một câu chuyện vui khác, khi tụi mình dừng lại ở một hàng quán địa phương để thử món ăn vỉa hè ở Yangon, tám người tụi mình đã ăn hết cả cái hàng quán của cô trong tích tắc, cô chủ rất vui vẻ và bắt chuyện bằng tiếng Miến. Điều hài hước là tụi mình nói tiếng Anh, cô ấy nói tiếng Miến, vậy mà cô vẫn cười nói vui vẻ như hiểu nhau ý😅😅. Rồi các cô chú hàng xóm cũng hòa vào nói haha. Tụi mình có một trận cười đến đau cả bụng, một chuyến đi đầy ắp những kỉ niệm.
Chúc bạn có những chuyến đi đầy trải nghiệm và gặp được những người bạn tuyệt vời trong suốt hành trình cuộc đời nhé!


What do you think?