Mình đã dành 5 ngày ở Seam Reap và 3 ngày ở Phnom Penh. Phnom Penh thì cũng không có gì đặc biệt để check-in, mình chủ yếu chạy xe đạp vòng vòng thành phố, ghé mấy chợ local, ghé trường học..v.v. tối thì đi dạo quanh khu trung tâm, cũng không dám đi quá khuya ở Phnom Penh. Điều đặc biệt nhất ở chuyến đi Phnom Penh của mình là ghé thăm cánh đồng chết Choeung Ek và tìm hiểu thêm chút ít về lịch sử của khu cánh đồng chết này, các bạn nhớ ghé thăm nếu đến Phnom Penh nha.
Nếu như Siem Reap là một điểm đến lịch sử thì Phnom Penh nổi tiếng với du thuyền trên sông, các quán bar, rượu và các món ăn local street food. Cùng mình điểm qua một số địa điểm ở Phnom Penh nhé.
THĂM CÁNH ĐỒNG CHẾT CHOEUNG EK
Địa chỉ: 17 kilometres từ trung tâm Phnom Penh.
Giờ mở cửa: 8am – 5.30pm
Vé vào cổng: 3 dollars. Thuê audio guide thêm $3 (có cả tiếng Việt)
Ngày đầu tiên đến Phnom Penh, mình đã đến thăm Choeung Ek – Cánh đồng chết cách Phnom Penh khoảng 17 km về phía nam. Có nhiều cách để đến đây, bạn có thể dễ dàng đặt tour tuk-tuk khoảng $12- $15 hoặc bạn có thể share tuk-tuk tour với các bạn trong khách sạn có thể sẽ rẻ hơn, hay đơn giản hơn là tìm một tour có hướng dẫn viên giải thích cặn kẽ cho bạn luôn ở trên Klook nè. Tuy nhiên, mình đã quyết định sai lầm khi chạy xe đạp từ thành phố xuống tận Choeung Ek😅🤕. Nếu ở Siem Reap thì chạy xe đạp có vẻ là một quyết định lý tưởng, mặc dù hơi nắng nhưng đạp xe trong rừng thì rất thích luôn, cây cối xung quanh hai bên đường rất nhiều nên cũng không hẳn quá nắng nóng. Tuy nhiên ở Phnom Penh lại khác, đây là thành phố lớn, đạp xe trên đường lớn không có cây cối xung quanh giữa thời tiết nóng gần đến 40 độ của Phnom Penh, bạn cứ tưởng tượng như đạp xe từ Saigon về Đồng Nai hay Vũng Tàu giữa trưa vậy đó. Nhưng không sao, cuối cùng mình cũng đến nơi😅. Đến nơi rồi cũng chẳng thấy ai đi xe đạp từ thành phố đến đây như mình haha.
Mình thuê xe đạp nhỏ 3 đô la để đi vòng quanh thành phố, giá cả ở Phnom Penh thì có mắc hơn ở Siem Reap một chút. Phnom Penh nóng hơn nhiều so với Siem Reap, một phần cũng vì ít cây cối. Đi xe đạp thì thích đâu ghé đó, mấy trường học ở Phnom Penh thì hầu hết cho vào tham quan, các thầy cô còn lại hỏi chuyện nữa chứ, thân thiện và vui tính vô cùng.
Khi đến Choeung Ek, các bạn sẽ được mời vào một căn phòng nhỏ chiếu bộ phim lịch sử về sự kiện của cánh đồng chết này, bên cạnh đó là phòng thông tin các nạn nhân trong vụ thảm sát Khmer Đỏ, có nhiều nạn nhân là người Việt Nam. Bạn có thể xem thêm phim tài liệu về cuộc chiến Pol Pot mà VN đã tham gia với Cambodia tại đây nhé. Tiếp theo đó, khách tham quan sẽ đi theo con đường chính dẫn vào tòa tháp ở giữa cánh đồng nơi chứa tất cả hộp sọ và xương của các nạn nhân thời Pol Pot. Men theo con đường đất, người viếng thăm sẽ đến những hố chôn của các nạn nhân, ở mỗi hố chôn sẽ có những bản giải thích sự kiện lịch sử. Không khí trong cánh đồng chết Chueong Ek trở nên rợn người khi khách tham quan đều im lặng lắng nghe radio guide, đọc những dòng chữ giải thích ở mỗi hố chôn và kinh hoàng trước sự tàn ác của nạn diệt chủng Khmer Đỏ mà người dân Cambodia đã trải qua.

Cánh đồng chết Choeung Ek là một ngôi mộ tập thể của các nạn nhân bị giết dưới chế độ Khmer Đỏ trong khoảng thời gian 1975-1979. Vào thời điểm đó, 17.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã bị giam giữ tại nhà tù S-21. 8895 thi thể được phát hiện và hơn 8000 hộp sọ được sắp xếp trong tòa tháp ở giữa cánh đồng theo giới tính, độ tuổi và bằng cách mà họ bị giết. Cánh đồng chết Choeung Ek gợi nhớ về một thời kỳ lịch sử kinh hoàng của Campuchia dưới sự thống trị của chế độ Khmer Đỏ.
Các nạn nhân được đưa từ nhà tù S-21, nơi họ đã bị tra tấn trong nhiều tháng. Phần lớn trong số họ đã được chở đến Choeung Ek vào buổi tối muộn. Những chiếc xe tải chứa khoảng 20 đến 30 tù nhân hoảng loạn và bị bịt mắt sẽ đến 2-3 lần một tháng hoặc cứ mỗi 3 tuần. Quân Pol Pot đã sử dụng nhiều công cụ khủng khiếp để giết các nạn nhân như cùm, rìu, cuốc, xẻng, v.v …


THĂM CUNG ĐIỆN HOÀNG GIA ROYAL PALACE
Cung điện hoàng gia được thành lập vào năm 1866, là một quần thể những tòa cung điện, là nơi ở của hoàng tộc Campuchia. Toàn bộ khu vực rộng khoảng 174.870 mét vuông, bao gồm các tòa nhà chính như Throne Hall, Moonlight Pavilion, Silver Pagoda, v.v … Cung điện là một ví dụ về kiến trúc Khmer kết hợp kiến trúc đặc trưng của Pháp. Cung điện Hoàng gia trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch ở Phnom Penh bên cạnh cách đồng chết Choeung Ek – The Killing Field.
Thủ đô trước đây của Campuchia là Oudong, nơi ở của hoàng tộc Cambodia trong hơn 250 năm cho đến khi vua Norodom chuyển nơi ở của Hoàng gia tới Phnom Penh vào năm 1865. Cung điện Hoàng gia đầu tiên được thiết kế bởi kiến trúc sư Neak Okhna Tepnimith Mak. Và Phnom Penh trở thành thủ đô chính thức mới của Campuchia kể từ đó.

ĂN UỐNG Ở CHỢ CENTRAL MARKET – PSAR THMEI
Địa chỉ: ផ្សារធំថ្មី, Calmette St. (53), Phnom Penh, Cambodia
Thời gian mở cửa: 6.30AM – 6PM.
Người dân bản địa gọi đây là chợ Phsar Thmei có nghĩa là “Chợ mới”, nhưng vì chợ nằm ở ngay vị trí trung tâm của thành phố nên du khách nước ngoài hay gọi là Central Market. Kiến trúc và thiết kế của chợ rất đẹp và độc đáo với cấu trúc kim tự tháp và màu vàng chủ đạo cả bên ngoài lẫn bên trong.
Chợ nằm ở ngay khu trung tâm nhộn nhịp của thành phố. Trong chợ thì có bán hết thảy tất cả mọi thứ, có rất nhiều cửa hàng bán vàng, bán trang sức bạc, quần áo, đồ lưu niệm, đồ điện tử, nhiều cửa hàng tạp hóa và các cửa hàng đồ second hand. Bạn có thể tìm mua được nhiều món quà lưu niệm ở đây chỉ có giá 2 $ -7 $ như áo phông có hình con voi, ví, quần áo, quần short, váy, nam châm trang trí tủ lạnh, các hình biểu tượng của Cambodia v.v.
Và ở khu ẩm thực của chợ thì bạn sẽ tìm thấy rất nhiều gian hàng của người Việt Nam luôn. Đạp xe dạo quanh Phnom Penh rồi đi dạo bộ ở chợ Central Market cho mình cảm giác rất quen thuộc như đang ở giữa lòng Saigon vậy.

ĐI BỘ Ở SISOWATH QUAY BROADWALK
Sisowath Quay Broadwalk nằm dọc theo sông Mê Kông, không khí mát mẻ trong lành, bạn có thể đi dạo ở đây vào buổi sáng hoặc chiều tối. Con đường này cũng là nơi check in của nhiều khách du lịch vì phía trước nó có cả hàng trăm chú chim bồ câu đang tìm kiếm thức ăn làm cho khung cảnh ở đây trở nên thơ mộng hơn đặt biệt là vào buổi chiều tà. Ngoài ra, có rất nhiều quán bar, quán cà phê, nhà hàng, khách sạn gần đó, từ trung tâm đi bộ đến đây cũng khá gần.
Tuy nhiên, du lịch đến Siem Reap hay Phnom Penh thì bạn cũng sẽ thường xuyên bắt gặp cảnh các em bé bán hàng rong hay xin tiền ở các địa điểm du lịch, và ở con đường Sisowath Quay này cũng không ngoại lệ, nhiều góc đường ở Phnom Penh và cả con đường Sisowath Quay có nhiều rác thải không được xử lý.


ĐẠP XE DẠO QUANH PHNOM PENH
Với một chiếc xe đạp, bạn có thể dễ dàng đến tất cả các điểm ở Campuchia và bạn có thể dừng lại ở bất kỳ nơi nào bạn muốn. Thuê xe đạp ở Phnom Penh khoảng 3$ -5$/ ngày. Mình đạp xe đến thăm cánh đồng chết Choeung Ek, rồi ghé các chợ local trên đường đi, ghé vào mấy trường học cấp hai cấp ba, rồi đi săn ảnh ở mấy tòa nhà cổ ở Phnom Penh, cảnh người dân sinh hoạt hàng ngày.
Campuchia đã trải qua giai đoạn khó khăn của chế độ Khmer Đỏ và đã phát triển với nhiều tòa nhà hiện đại, con đường đi bộ Sisowath; tuy nhiên, vẫn còn nhiều tòa nhà cũ, các địa điểm Phật giáo và chợ địa phương mang nét đẹp cổ kiến của đất nước.



ẨM THỰC PHNOM PENH
Ẩm thực Campuchia là một trong những điểm nhấn trong chuyến đi của mình, lý do đơn giản là vì mình ở Mã Lai rất ít khi được ăn món ăn Việt nên khi đến Campuchia thì vị đồ ăn ở đây rất giống ở Việt Nam và Thái Lan luôn. Đặc biệt, khi đến chợ Central Market thì gặp được nhiều hàng quán Việt Nam nên sáng nào mình cũng ghé lại ăn bát bún mọc^^.
Một bữa sáng điển hình của Campuchia thường là cơm thịt sườn(Bai Sach Chrouk), mì và cháo. Bên cạnh đó, cũng có nhiều hàng quán vỉa hè như ở Saigon, giá mỗi món ăn giao đồng từ chỉ khoảng 2-3 đô.

THĂM BẢO TÀNG QUỐC NATIONAL MUSEUM OF CAMBODIA
Địa chỉ: đường 13 trung tâm Phnom Penh, cạnh Royal Palace.
Giờ mở cửa: 8am – 5pm bán vé tới
Bán vé tới 4.30pm
Giá vé: Người Cambodia – 500 Riels. Người nước ngoài (từ 10-17 tuổi) – 5$, (từ 18 tuổi trở lên) -10$. Có thể thuê Audio Guide nhiều ngôn ngữ với giá là 6 $. Hầu hết các bảo tàng ở Campuchia đều cấm chụp ảnh.
Bảo tàng quốc gia Campuchia, được xây dựng từ năm 1917 đến 1924, trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật Khmer lớn nhất thế giới. Bảo tàng là ngôi nhà của rất nhiều tác phẩm điêu khắc Khmer bằng đất nung; Bên cạnh đó, bảo tàng cũng trưng bày nhiều đồ gốm và đồ đồng từ thời kỳ tiền Angkor, thời kỳ Angkor và các tác phẩm hiện dại. Nhiều tác phẩm nghệ thuật của người Khmer chứng minh rằng người Khmer đã bị ảnh hưởng bởi các tôn giáo từ Ấn Độ chủ yếu từ Ấn Độ giáo và Phật giáo.

References
Wikipedia, Cambodia Museum, https://www.cambodiamuseum.info (Accessed 2019-6-28).
Wikipedia, the free encyclopedia, Choeung Ek, https://en.wikipedia.org/wiki/Choeung_Ek (Accessed 2019-7-17).
Wikipedia, the free encyclopedia, Royal Palace of Cambodia,
https://en.wikipedia.org/wiki/Royal_Palace_of_Cambodia (Accessed 2020-12-5).
What do you think?