Chào bạn! Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog của Mai. Mai được biết rất nhiều bạn đang mong muốn tạo cho mình một trang blog nhưng còn đang lưỡng lự không biết nên bắt đầu từ đâu hay không biết mình có phù hợp để trở thành blogger không. Trong bài viết này Mai sẽ cùng bạn làm quen với các khái niệm cơ bản về blogging và các bước để tạo nên một trang blog. Hi vọng có thể giúp bạn bắt đầu hành trình viết blog một cách dễ dàng hơn nhé!
Các Khái Niệm Cơ Bản Về Blog
1. Blog là gì?
Blog là một trang web mà blogger (chủ sở hữu trang web) xem đó như một trang nhật ký trực tuyến để chia sẻ tâm sự và kiến thức. Những thông tin trong blog sẽ liên tục được cập nhật và phát triển, những bài viết mới xuất bản sẽ được đưa lên đầu trang. Bạn có thể xây dựng một trang blog để chia sẻ về một mảng kiến thức nào đó, hoặc để lưu giữ những trang nhật ký viết lách tâm sự của mình. Ngày nay, blog còn vận hành như là một ‘cỗ máy kiếm tiền’ của các bloggers chuyên nghiệp bằng các hình thức tiếp thị liên kết (affiliate marketing), guest post, drop shipping, bán dịch vụ, bán khóa học, review sản phẩm, v.v. Mời bạn tham khảo trang blog cá nhân của Mai www.maivan.blog, nơi Mai chia sẻ về cuộc sống của mình tại Malaysia nhé.
3. WordPress là gì?
WordPress là một hệ thống quản lý nội dung mã nguồn mở và miễn phí được viết bằng ngôn ngữ PHP và được ghép nối với cơ sở dữ liệu MySQL hoặc MariaDB. Tính đến tháng 5/2021, WordPress đang được 41,4% trong số 10 triệu trang web hàng đầu trên thế giới tin dùng. WordPress là một trong những hệ thống quản lý nội dung phổ biến nhất đang được sử dụng hiện nay. Nói một cách đơn giản, WordPress giúp bạn tạo ra một website hoặc blog mà không cần quá nhiều kiến thức về lập trình, coding.
4. Domain là gì?
Domain hay còn gọi là tên miền, là địa chỉ trang web của bạn. Mỗi tên miền là duy nhất và không trùng lặp, và nó đại diện cho tài nguyên giao thức internet (địa chỉ IP). Máy tính sử dụng một địa chỉ IP bao gồm các dãy số (ví dụ như 76.534.09.1), Google bots và các bots khác có thể đọc hiểu được địa chỉ này, tuy nhiên với con người các dãy số này khá khó nhớ. Người dùng nếu muốn ghé thăm trang web của bạn thay vì gõ dãy số này, họ sẽ gõ domain lên thanh địa chỉ để truy cập vào website của bạn.
Thử một phép so sánh để bạn dễ hiểu hơn, nếu website là ngôi nhà của bạn thì tên miền sẽ là địa chỉ nhà. Nếu ai đó muốn vào thăm nhà bạn, họ phải biết địa chỉ nhà bạn là gì. Vì vậy, nên đặt địa chỉ nhà dễ nhớ, ngắn gọn và độc nhất.
5. Hosting là gì?
Hosting hay còn gọi là web host – là dịch vụ lưu trữ web trên Internet cho phép các cá nhân và tổ chức truy cập trang web của họ thông qua World Wide Web. Khi bạn đăng ký mua một dịch vụ hosting có nghĩa là bạn đang thuê một chỗ để chứa các file trong trang web của bạn như cơ sở dữ liệu, hình ảnh, video, content, v.v.
Nếu website là ngôi nhà của bạn thì domain là địa chỉ nhà và hosting là mảnh đất bạn mua để xây ngôi nhà đó. Khi mua hosting bạn cần lưu ý tốc độ truyền tải của hosting, dung lượng cho phép lưu trữ là bao nhiêu, hosting cho phép tích hợp SSL (https) miễn phí, hosting cho phép bạn host 1 hay nhiều website cùng một lúc, v.v.
6. Theme là gì?
Bạn có thể hiểu theme như là giao diện/ thiết kế của website. Sau khi mua đất (hosting), và có địa chỉ nhà (domain) rồi, bạn bắt đầu xây nhà và thiết kế ngôi nhà (theme) để trông bắt mắt và thu hút người dùng đến với ngôi nhà của bạn.
Khi bạn thay đổi theme, nghĩa là bạn đang thay đổi giao diện của trang web mà người dùng nhìn thấy mỗi khi họ truy cập vào trang web của bạn như màu sắc, font chữ, layout, v.v. Hiện nay, WordPress có rất nhiều theme miễn phí, tuy nhiên sử dụng bản miễn phí sẽ có một số giới hạn về tính năng và giao diện. Bạn hoàn toàn có thể mua một theme bản quyền trả phí khoản từ $11-$59 để sử dụng, giúp cho trang blog của mình nhìn chuyên nghiệp và thú hút độc giả hơn. Bạn có thể tham khảo những nhà cung cấp theme màu sắc tươi trẻ, năng động và dễ sử dụng cho người mới bắt đầu: 17thavenuedesigns, StudioMommy, Blossomthemes hoặc ghé thăm chợ Theme siêu lớn Theme Forest.
7. Keyword là gì?
Keyword hay còn gọi là từ khóa, là khái niệm được sử dụng nhiều trong SEO, content writing, blogging, digital marketing, v.v. Keyword là một cụm từ mà người đọc/ khách hàng sử dụng để tìm kiếm một thông tin/ sản phẩm/ dịch vụ nào đó trên bộ máy tìm kiếm, hay còn gọi là search engine. Keyword như là một cầu nối trực tiếp giữa bạn và khách hàng/ người đọc. Để bắt đầu lên một bài viết, bạn cần tìm hiểu từ khóa mà người dùng đang quan tâm và hay sử dụng để tìm kiếm là gì.
Ví dụ: bạn là một blogger du lịch và đang chuẩn bị lên bài viết về du lịch Thái Lan, bạn sẽ tìm hiểu xem nếu người dùng đang có nhu cầu đi du lịch Thái, hành vi tìm kiếm của họ như thế nào? Họ thường sử dụng những cụm từ keyword gì để tìm kiếm? Bạn có thể sử dụng các công cụ research keywords miễn phí của answerthepublic, ubersuggest, keywordplanner, v.v để nghiên cứu từ khóa trước khi lên bài.
Bạn Có Phù Hợp Để Trở Thành Blogger?
Bạn muốn viết blog, liệu bạn có phù hợp để trở thành một blogger? Mai nghĩ ai ai cũng có thể trở thành blogger, miễn là bạn yêu thích viết lách và có tinh thần học hỏi cao. Nếu bạn đang có cùng thắc mắc hãy tự trả lời những câu hỏi sau, chắc chắn bạn sẽ tìm được câu trả lời cho chính bản thân mình.
1. Bạn có thích viết lách không?
Blogging là quá trình viết lách và chia sẻ tâm sự hoặc kiến thức trên website điện tử. Thời gian nhiều nhất của blogger là dùng để lên ý tưởng và lên bài viết bên cạnh các công việc khác như thiết kế banner, optimize website, làm SEO, chia sẻ bài viết, v.v. Tất nhiên, bạn không cần phải là một người giỏi viết lách ngay từ ban đầu, bạn có thể tập viết và dần dần cải thiện kỹ năng của mình theo thời gian.
Lúc mới bắt đầu viết blog, Mai cũng không dám chia sẻ các bài viết với bạn bè hay chia sẻ trên Facebook vì mình cảm thấy bài viết của mình chưa hay, ngôn từ mình sử dụng cũng không thuyết phục. Tuy nhiên, vì rất thích viết lách nên mình đã cố gắng đọc nhiều, học nhiều, và thực hành viết nhiều. Văn phong của mình bây giờ cũng đã trôi chảy hơn ngày xưa rất rất nhiều.
Bạn không cần phải giỏi viết, nhưng nếu bạn thật sự thích viết hoặc thích chia sẻ với cộng đồng thì Mai chắc chắn bạn có thể trở thành một blogger.
2. Bạn có phải là một người ham học hỏi?
Để trở thành một blogger, bạn không chỉ cần kỹ năng viết, bạn sẽ cần phải học thêm rất nhiều kỹ năng khác để hỗ trợ công việc blogging của mình như: SEO, quản lý website, content writing, thiết kế banner, social media, marketing, affiliate marketing, v.v. Không những vậy bạn cũng sẽ phải cần tìm hiểu về các công cụ quản lý blog của mình, làm thế nào để nghiên cứu từ khóa tốt hơn, làm thế nào đưa blog bạn đến với nhiều người dùng hơn, v.v. Giả sử bạn là một người viết giỏi, nhưng bạn không biết cách tối ưu trang web cho đẹp mắt, hoặc không biết cách quảng bá bài viết hay SEO bài viết thì những bài viết bạn viết ra có thể sẽ rất ít độc giả biết đến.
Có thể nói, blogger phải là một người học hỏi không ngừng. Tất nhiên, bạn không cần phải là một chuyên gia về SEO hay không cần phải thật sự giỏi về design, chỉ biết đủ để hỗ trợ blog của bạn thôi.
3. Bạn có phải là một người yêu công nghệ?
Nếu đã có định hướng trở thành blogger, đặc biệt nếu bạn có ý định viết blog kiếm tiền thì đòi hỏi bạn sẽ tiếp xúc với digital và tech khá nhiều. Bạn cần biết chút ít về website HTML, CSS để tối ưu khi cần, bạn cần biết cách gắn các công cụ hỗ trợ blog của mình và cách sử dụng các công cụ đó như Google Analytics, Google Console, Google Tag Manager, v.v.
Trong quá trình viết blog, chắc chắn sẽ có rất nhiều vấn đề xảy ra ví dụ bạn muốn chỉnh sửa font chữ, bạn muốn chỉnh sửa giao diện, hoặc website bị vấn đề về hosting, domain,..v.v bạn sẽ phải tìm hiểu cách xử lý như thế nào hoặc ít nhất là biết vấn đề của bạn là gì để tìm kiếm đúng người hỗ trợ.
Nếu đã có ý định trở thành một blogger, thì nên định hướng cho bản thân sẽ phải tiếp xúc nhiều hơn với công nghệ.
4. Bạn có phải là một người làm việc độc lập?
Là một blogger, bạn phải là một người làm việc độc lập. Nếu đã có ý định viết blog để kiếm tiền thì hãy xem blogging như một công việc kinh doanh, và bạn là ông chủ vận hành business này. Bạn tự lên thời gian để viết bài, để quản lý blog và chủ động học những kỹ năng cần thiết để phục vụ cho công việc blogging. Bạn là người quản lý blog từ A-Z, từ những công việc nhỏ nhất như seeding bài viết, edit và sửa lỗi chính tả bài viết, tự audit website và tối ưu website, v.v.
Nếu bạn là một người thích làm việc tự do và là một người chủ động trong cuộc sống thì bạn rất phù hợp để trở thành một blogger.
Muốn Trở Thành Blogger, Nên Bắt Đầu Từ Đâu?
Làm thế nào để có một website? Mình có nên thuê dịch vụ làm không? Nếu thuê dịch vụ thì chi phí như thế nào, thuê ở đâu? Mình có thể tự làm website của mình không? v..v và rất nhiều câu hỏi nữa mà các bạn mới bắt đầu viết blog đang thắc mắc.
Hiện tại, đang có rất nhiều dịch vụ setup website với chi phí khá hợp lý tại Việt Nam. Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian, bạn hoàn toàn có thể tìm đến các dịch vụ này để nhờ setup website. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm các dịch vụ như tối ưu website, quản lý website, v.v.
Mai đã làm tự mày mò và làm tất cả từ việc setup website, viết bài, tối ưu, chỉnh sửa, vân vân. Tuy ngốn khá nhiều thời gian, nhưng Mai học hỏi được rất nhiều kiến thức trong quá trình tự tìm hiểu. Và tất cả những kiến thức này đều hỗ trợ tốt cho công việc full-time hiện tại của Mai, nên Mai không ngại bỏ thêm chút thời gian để tự mày mò.
Bây giờ, Mai sẽ hướng dẫn bạn chi tiết từng bước tạo một blog mà không cần kiến thức về coding nhé, hi vọng sẽ gỡ rối cho bạn phần nào.
1. Xác định mục tiêu viết blog
Xác định mục tiêu viết blog của bạn là gì?
- Bạn viết blog như một sở thích, blog như là một nơi bạn chia sẻ những trải nghiệm về cuộc sống, tâm tư, tình cảm..v.v.
- Hay bạn viết blog để kiếm tiền? Mục tiêu viết blog của bạn là để biến blog thành một cỗ máy kiếm tiền thụ động cho bạn.
Vì sao phải xác định mục tiêu viết blog đầu tiên, vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến các bước kế tiếp trong hành trình viết blog của bạn. Nếu bạn viết blog như một sở thích, bạn sẽ tập trung vào những chủ đề mà mình giỏi nhất, những câu chuyện mà mình muốn chia sẻ. Tất nhiên, sau này nếu bạn muốn biến chiếc blog của mình thành cỗ máy kiếm tiền vẫn được, nhưng có thể sẽ khó khăn hơn một chút. Còn nếu bạn xác định ngay từ đầu viết blog để kiếm tiền, bạn cần chọn ngách để viết, tìm hiểu người đọc họ cần gì, nghiên cứu tệp từ khóa phổ biến, và ngay cả chủ đề của blog bạn cũng nên chọn những chủ đề tiềm năng dễ kiếm ra tiền thay vì chỉ tập trung viết những gì bản thân mình thích.
Tất nhiên, nếu bạn kết hợp được vừa viết về sở thích của mình và vừa kiếm được tiền thì quá tuyệt vời đúng không nào!
2. Xác định chủ đề của blog
Suy nghĩ về một chủ đề mà bạn muốn chia sẻ với cộng đồng và đảm bảo rằng bạn sẽ vẫn có thể chia sẻ về chủ đề đó 1 năm, 2 năm hay 5 năm sau. Hãy tìm những chủ đề bạn giỏi nhất, bạn thích nhất hoặc gần gũi với bạn nhất để bắt đầu.
Ví dụ: nếu bạn thích du lịch, hãy bắt đầu chia sẻ về những chuyến đi du lịch của bạn, tips đi du lịch, v.v. Nếu bạn rất quan tâm đến cách chăm sóc da mặt, hãy bắt đầu chia sẻ những tips chăm sóc da, hoặc review những sản phẩm mà bạn đang sử dụng. Nếu bạn là mẹ bỉm sữa, hãy viết về kinh nghiệm chăm con, review những sản phẩm mà bạn hay mua như sữa cho con, quần áo, thức ăn cho bé, v.v. Nếu bạn là sinh viên, bạn có thể bắt đầu viết về ngành học của mình. v.v.
Chủ đề viết lách càng ngách, càng hẹp thì cơ hội blog bạn đến với độc giả càng nhiều, đừng viết quá nhiều chủ đề trong cùng một blog, hãy chọn 1 ngách nhất định để viết.
Những chủ đề tiềm năng mà bạn có thể xem xét:
- Sức khỏe
- Yoga và thiền
- Thời trang, làm đẹp
- Tiền bạc, tài chính
- Phát triển bản thân
- Du lịch
3. Đặt tên cho blog của bạn
Xây dựng một website hay một chiếc blog giống như việc nuôi thêm một đứa con tinh thần vậy. Bạn nên dành một chút thời gian để lên ý tưởng tên website vì nó sẽ theo bạn suốt hành trình viết lách. Sau này muốn thay đổi tất nhiên vẫn được, nhưng bạn đã xây dựng thương hiệu cho website đó rồi, người dùng cũng đã biết đến bạn thông qua cái tên đó. Bây giờ thay đổi tên, như bắt đầu lại cả một hành trình mới vậy.
Tương tự như vậy, Google cũng đã lập chỉ mục website của bạn. Nếu đổi tên, sẽ phải “báo” với Google để không bị đánh website mới của bạn là duplicate content (nội dung trùng lặp với trang cũ) và không bị mất điểm xếp hạng trên Search. Ngoài ra, bạn cũng phải thực hiện điều hướng các link cũ sang link mới để không bị ảnh hưởng đến traffic. Tuy nhiên, với những bạn không chuyên về Tech SEO, thì có thể sẽ gặp khó khăn trong vấn đề chuyển tên miền.
Đó là lý do bạn nên dành thời gian để suy nghĩ về tên website của mình thật chỉnh chu. Một số lưu ý dưới đây có thể sẽ giúp bạn:
- Luôn ưu tiên các đuôi domain phổ biến như .com. Nếu website bạn chỉ hướng tới độc giả Việt Nam thì có thể dùng đuôi .vn
- Tên miền nên ngắn gọn và dễ nhớ.
- Chọn tên domain dễ đọc và dễ viết.
- Tránh dùng những ký tự đặc biệt trong tên domain như dấu gạch ngang, số đếm, dấu và, dấu gạch chân, .v.v.
- Luôn ưu tiên chọn tên miền đang có sẵn và chi phí cực rẻ. Nhiều bạn không biết nên cứ gõ đúng tên mình yêu thích và mua ngay. Tuy nhiên, các tên miền phổ biến hầu hết đều đã có chủ sở hữu, hoặc chi phí rất cao. Bạn có thể dành chút thời gian tìm kiếm những tên miền giá chỉ từ 6-10 đô/năm.
Mời bạn đọc thêm bài: Mẹo hướng dẫn đặt tên cho blog
4. Tạo lập website
Đây là lúc bạn bắt đầu thực hiện xây dựng website của mình. Đối với các bạn không chuyên về tech có thể sẽ tốn nhiều thời gian hơn một chút để thực hiện. Tuy nhiên, mình đảm bảo ai ai cũng có thể tự xây dựng cho mình một blog nếu bạn chịu bỏ chút thời gian tự học. Mình sẽ giải thích vè kèm hướng dẫn các bước cụ thể nhé.
- Bước 1 – mua Domain: như giải thích ở đầu bài viết bạn sẽ cần có domain và hosting để xây dựng ‘ngôi nhà’ của bạn. Giá domain sẽ giao động từ $5-$10/ năm. Bạn cần tìm một nhà cung cấp domain uy tín, giá tốt và chất lượng. Hiện tại, Mai đang sử dụng Namecheap cho hầu hết các website của mình. Bạn có thể đọc hướng dẫn chi tiết mua domain tại Namecheap ở đây nhé.
- Bước 2 – mua Hosting: giá hosting sẽ giao động từ 1tr2-1tr5/ năm tùy thuộc vào gói hotsing mà bạn sử dụng. Các bạn nên lưu ý chọn những gói hosting có tích hợp SSL (https), chọn nhà cung cấp có giao diện dễ sử dụng, giá tốt, uy tín và có dịch vụ support tốt. Vì có thể trong lúc xây dựng website, bạn sẽ cần phải liên hệ bên hosting để hỗ trợ và giải quyết các vấn đề về kỹ thuật. Bạn đọc hướng dẫn mua Hosting tại đây nhé.
- Bước 3- trỏ domain về hosting: sau khi đã mua xong hosting và domain, bạn thực hiện trỏ domain về hosting.
- Bước 4 – chọn theme cho blog: Bạn hoàn toàn có thể sử dụng theme miễn phí của WP cho blog của bạn. Một website của mình đã viết từ năm 2018, mình vẫn đang sử dụng theme miễn phí và cũng chưa có ý định thay đổi theme mặc dù mình đang sở hữu rất nhiều theme có bản quyền. Vì mỗi lần thay đổi theme, bạn có thể sẽ phải dành thời gian để sắp xếp lại blog và chỉnh sửa giao diện của blog. Suy nghĩ xem bạn có nên đầu tư cho mình một theme bản quyền không nhé, theme bản quyền giúp cho blog của bạn nhìn chuyên nghiệp hơn, thu hút độc giả hơn và đầy đủ tính năng hơn so với theme miễn phí. Mai đề xuất các theme bản quyền trẻ trung năng động và dễ sử dụng của studiomommy, 17thavenuedesign, blossomthemes hoặc bạn có thể tham khảo thêm danh sách theme đang giảm giá tại đây.
Okay! chỉ cần xong 4 bước này là bạn đã có ngay một website hoàn chỉnh. Bạn thực hiện lên bài viết và tạo menu cho blog của mình nhé.
Cài Đặt Plugin Cho Blog
Cho những blogger mới tinh, việc sử dụng plugin giúp cho chiếc blog của bạn trở nên chuyên nghiệp và thân thiện với người dùng hơn. Đặc biệt cho những bạn không quá rành về HTML, coding, hay SEO thì plugin sẽ là một công cụ hỗ trợ tuyệt vời cho quá trình viết blog của bạn.
WS Facebook Like Box Widget
Hiện tại số lượng người dùng Facebook tại Việt Nam chiếm khoảng 2/3 dân số, vì vậy xây dựng một fanpage là một cách để kéo lượng view về trang web của bạn. Trên trang web bạn có thể nhúng trang fanpage Facebook vào để người dùng có thể follow và cập nhật thông tin blog một cách nhanh nhất.
Hiện tại có khá nhiều plugin hỗ trợ nhúng trang fanpage vào website, tuy nhiên WS Facebook Like Box Widget là một trong những plugin có giao diện đẹp, đơn giản và dễ chỉnh sửa.
About Me Image Widget By Angie Makes
Nếu theme wordpress bạn chọn chưa có mục giới thiệu bản thân “about me” ở thanh bar bên phải/ trái hoặc bên dưới footer, thì bạn có thể sử dụng plugin này nhé. Viết một đoạn ngắn giới thiệu về bản thân và blog của bạn kèm hình ảnh profile để tạo ấn tượng với đọc giả blog nè. Download Plugin About Me Image Widget by Angie Makes
WordPress SEO By Yoast/ Yoast SEO
SEO vô cùng quan trọng cho website của bạn để cải thiện thứ hạn hiển thị trên công cụ tìm kiếm organic của Google. Với những blogger mới tinh, việc sử dụng plugin này sẽ giúp cho bạn quen dần với cách optimize để bài viết của bạn tốt hơn, tăng điểm SEO. Bên cạnh đó, thuật toán SEO liên tục thay đổi nên việc có một công cụ hỗ trợ SEO bên cạnh là cần thiết để giúp bạn cập nhật và cải thiện kĩ năng SEO của mình.
Công cụ có liệt kê cụ thể nguyên nhân bài viết của bạn chưa đạt độ tối ưu SEO và cần chỉnh sửa những gì. Ngoài ra Yoast còn giúp bạn cải thiện tiêu đề, tối ưu meta tags và từ khóa của bài post.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của bản thân mình khi sử dụng plugin một thời gian thì bạn cũng không nên quá phụ thuộc vào Yoast SEO hay SEO, vì một số trường hợp plugin không chính xác hoặc quá lạm dụng SEO gây cảm giác không thân thiện với người dùng. Tải plugin Yoast SEO ở đây
Easy Table Of Contents
Plugin này phù hợp cho những bài viết nào có quá nhiều nội dung/ tiêu đề. Plugin sẽ auto tạo ra một bản tóm tắt mục lục đầu mỗi bài viết, giúp cho người đọc dễ dàng theo dõi bài viết của bạn hơn. Click vào mỗi mục lục sẽ giúp điều hướng người dùng đến từng headline tương ứng. Download Easy Table of Contents
Akismet – Công Cụ Chặn Spam
Thời gian đầu viết blog, mình luôn bị bình luận spam của các trang cờ bạc trực tuyến, thuốc dược phẩm, hay các trang nội dung vi phạm policy của Google. Cài đặt Akismet giúp giảm thiểu một lượng lớn các bình luận spam, plugin này sẽ tự nhận diện các spammer và ẩn bình luận của họ đi. Download plugin Akismet
Insert Heads And Footers
Plugin cực hữu ích cho những bạn không rành về coding. Trong quá trình xây dựng blog, bạn sẽ cần chèn code vào wordpress nhưng không muốn ảnh hưởng đến theme cũng như chưa có kinh nghiệm chèn code trực tiếp vào code editor, bạn có thể tải plugin Insert Heads and Footers để sử dụng nhé. Download plugin Insert Heads and Footers
Social Media Follow Buttons Bar
Plugin cho phép bạn gắn các social media khác vào mỗi bài viết để người dùng có thể follow.
Bạn có thể điều chỉnh cho thanh này ở phía đầu bài viết, cuối bài viết, ở giữa nội dung bài viết. Hiện tại có khá nhiều plugin cho phép gắn social media vào trang web, với mình, đây là một plugin khá đơn giản, dễ sử dụng và dễ chỉnh sửa. Download plugin Social Media Follow Buttons Bar
Lên Kế Hoạch Viết Lách
Sau khi đã sở hữu cho mình một chiếc blog, bạn nên bắt đầu lên kế hoạch viết lách để đảm bảo duy trì blog đều đặn. Nếu bạn không có nhiều thời gian, bạn có thể đặt mục tiêu, mỗi tuần viết 1 bài đến 3 bài. Nếu bạn có nhiều thời gian hơn thì có thể đặt mục tiêu mỗi ngày một bài. Hãy tạo một bản kế hoạch và duy trì kế hoạch đó.
Thật sự là đến bây giờ mình vẫn có những lúc phải ngừng viết một thời gian vì quá bận, bị phân tâm với công việc full-time hoặc stress v.v. Những lúc như vậy mình dừng lại hết mọi thứ, tập trung vào bản thân, lấy lại tinh thần bằng cách chăm sóc bản thân tốt hơn, dành nhiều thời gian cho sức khỏe tinh thần, nghe radio, nghe thiền, tập yoga, chạy bộ.. Đến khi nào mình cảm thấy ổn định, mình sẽ bắt đầu viết lách lại. Mình không bắt ép bản thân, vì thật sự để viết được một bài viết hay, tâm phải đang thật sự thoải mái.
Và tất nhiên, thời gian đầu có thể bạn sẽ phải nhiều lần viết đi viết lại một bài viết mà vẫn chưa vừa ý hoặc bạn bị bí ý tưởng. Viết blog không phải ngày một ngày hai, viết blog là một hành trình dài. Một tips mà Mai hay làm là bất cứ khi nào mình có một ý tưởng dù rất nhỏ, Mai đều lưu lại trên file excel. Có thể hôm nay chỉ nghĩ được cái tiêu đề, nhưng một tuần, hai tuần sau bạn có thể sẽ có cả một dàn ý tưởng để viết về nó.
Blogging là những buổi tối ôm laptop tới khuya để viết bài. Sau một ngày làm việc 8 tiếng, bạn dành thêm vài tiếng nữa để viết blog. Cuối tuần, bạn cũng chẳng bận đi cafe với bạn bè, chỉ ở nhà ôm chiếc lap và viết. Phía sau một trang blog thành công là những tháng ngày cặm cụi viết và viết!
Đưa Blog Của Bạn Đến Với Độc Giả
Đưa blog của bạn đến với độc giả là một bước quan trọng. Bài viết của bạn không tự đến được với độc giả, ở những ngày viết lách đầu tiên bạn nên lên sẵn một bản kế hoạch để đưa bài viết của bạn đến với độc giả. Mai liệt kê một số cách bạn có thể thực hiện.
1. Chia sẻ trên mạng xã hội
Tìm hiểu đối tượng độc giả bạn đang hướng đến đang ở đâu và bắt đầu chủ động chia sẻ bài viết của bạn ở đó. Tại Việt Nam, phần lớn người dùng sử dụng Facebook, ngoài ra còn có các kênh Instagram, Twitter, Linkedin, v..v Bạn có thể chia sẻ ngay trên tài khoản cá nhân của mình hoặc tạo lập một Fanpage cho blog và chia sẻ ở đó.
Ngoài ra, tham gia và chia sẻ trên các hội nhóm, diễn đàn có liên quan cũng là một cách để giúp bạn có được lượng traffic từ các kênh mạng xã hội. Nếu bạn viết bài về du lịch, có thể tham gia các hội nhóm review du lịch, phượt, tìm bạn du lịch để chia sẻ bài viết và kéo traffic về Fanpage hoặc website. Nếu bạn chia sẻ các bài viết theo dạng tâm sự, viết lách thì có thể tham gia các hội nhóm viết lách, cải thiện kỹ năng viết lách, đọc và viết, v..v.
Tuy nhiên, với cách này bạn lưu ý không seeding hay spam quá nhiều. Spam link website sẽ làm cho độc giả bị bão hòa với nội dung viết bài của bạn, ngoài ra bạn còn có thể bị admin của các groups kick ra khỏi group.
2. Xây dựng cộng đồng
Bạn có thể xây dựng một cồng đồng liên quan đến lĩnh vực bạn viết và bắt đầu chia sẻ giá trị trên cộng đồng đó. Xây dựng được một công đồng riêng của mình vừa giúp bạn có cơ hội chia sẻ bài viết của mình đến nhiều độc giả hơn vừa giúp bạn có thêm động lực để duy trì viết bài thường xuyên hơn.
3. Xây dựng traffic tự động từ SEO
Bạn có thể dành thời gian để chia sẻ bài viết của mình trên mạng xã hội, nhưng đây là một lượng traffic bị động và bạn không kiểm soát được. Nếu hôm đó bạn có chia sẻ bài viết lên FB thì sẽ có độc giả đọc bài viết của bạn, nếu bạn không chia sẻ thì cũng chẳng có ai biết đến bạn. Đó là lý do tại sao bạn phải xây dựng traffic tự động từ SEO.
Vậy SEO là gì? Hiểu đơn giản, học SEO giúp bạn hiểu các thuật toán của Google – làm thế nào để tối ưu một bài viết lên top Google. Nội dung bài viết luôn là quan trọng nhất, tuy nhiên, nếu bạn biết cách tối ưu SEO một chút xíu sẽ giúp bài viết của bạn đến với người dùng một cách dễ dàng hơn.
Khi bắt đầu blogging, Mai cũng đã tự học SEO để hỗ trợ cho công việc viết lách của mình. Một kênh học hoàn toàn miễn phí từ Google về SEO là Google Search Central, bên cạnh đó bạn có thể tham khảo cuốn sách SEO for Dummies của bác Peter Kent và khóa học Complete SEO Training With Top SEO Expert Peter Kent! của Bác Kent nhé.
4. Xây dựng danh sách email marketing
Sở hữu một danh sách email riêng cho mình là bạn đang sở hữu một lượng độc giả giá trị, những độc giả thật sự quan tâm đến những chia sẻ của bạn và đón chờ những bài viết mới từ bạn. Bạn có thể mời người dùng đăng ký vào danh sách email bằng những quà tặng miễn phí: có thể là sách ebook, khóa học miễn phí, tham gia chương trình workshop miễn phí, v.v. Và hãy đảm bảo những giá trị mà bạn cho đi là những giá trị thật sự hữu ích cho độc giả.
Nếu các bài viết của bạn thật sự giá trị, hãy mời độc giả đăng ký email để mỗi tháng bạn có thể gửi newsletter – những bài viết của tháng cho độc giả.
Về công cụ email marketing, có thể sử dụng bản miễn phí của MailChimp hoặc đầu tư bản trả phí của MailChimp để sử dụng full tính năng, hoặc của Getresponse.
5. Chạy quảng cáo cho website
Đối với những trang web lớn hoặc trang ecommerce thì bạn có thể sử dụng quảng cáo Google Ads và Facebook Ads để quảng bá blog của mình rộng rãi hơn. Khi tạo một quảng cáo Google Ads, để đạt hiệu quả cao nhất, bạn cần lưu ý cách chọn lọc từ khóa và tối ưu mẫu quảng cáo của mình từ tiêu đề, mô tả đến các tiện ích mở rộng của quảng cáo.
Tuy nhiên, với những blogger mới bắt đầu, bạn chưa cần đến quảng cáo, bạn nên tập trung nhiều hơn đến 4 cách ở trên đặt biệt là SEO và email marketing để duy trì lượng traffic chủ động cho blog của mình nhé.
Rất hi vọng bài viết phần nào hỗ trợ bạn trong hành trình viết lách và giúp bạn trả lời câu hỏi lớn: bạn muốn viết blog, bạn nên bắt đầu từ đâu?
Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog và lắng nghe những chia sẻ của Mai. Chúc bạn có thật nhiều niềm vui trong hành trình viết lách và học tập của mình nhé. Theo dõi Mai ở đây nha: beacons.ai/maivan
What do you think?